Cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ: Lời giải cho “bài toán” hài hòa

Sau nhiều trăn trở, lựa chọn từ 20 phương án khác nhau, Cty CP đầu tư phát triển nhà số 7, đơn vị được giao nghiên cứu lập dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã trình UBND TP đề án quy hoạch - kiến trúc cùng các giải pháp hỗ trợ thực hiện dự án.

Với mật độ dân cư đông đúc, hạ tầng yếu kém, việc cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ là “bài toán” rất khó trong việc cân đối hài hòa lợi ích của các bên.

 

Bà Tô Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP đầu tư phát triển nhà số 7 cho biết, qua điều tra xã hội học, mật độ dân cư trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã tăng hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu. Trong 14 khu nhà chung cư cũ 4 tầng có 1.292 hộ với 7.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó 346 hộ tầng 1 có cuộc sống gắn liền với kinh doanh buôn bán tại chợ. Ngoài ra, hiện có 320 hộ (1.350 nhân khẩu) lấn chiếm đất lưu không để xây dựng nhà ở. Không chỉ có nhà ở mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở đây cũng đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hai tuyến đường trục chính từ phố Nguyễn Công Trứ vào có chiều rộng 5m bị thu hẹp thành ngõ nhỏ đi ra phố Trần Cao Vân, chỉ đủ lưu thông cho xe máy và xe thô sơ. Hệ thống hạ tầng xuống cấp, khối lượng dân phải GPMB lớn, trong đó có không ít hộ sống trên đất lưu không, nhiều hộ kinh doanh buôn bán… là những vấn đề khó khi nghiên cứu lập dự án.

 

Theo quy hoạch chi tiết quận Hai Bà Trưng, các chỉ tiêu của Bộ Xây dựng, quy hoạch tổng thể TP Hà Nội năm 1998, với mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 5 lần đối với khu tập thể Nguyễn Công Trứ thì quỹ nhà tái định cư còn không đủ, chưa nói đến lợi ích của nhà đầu tư. Nếu điều chỉnh hệ số sử dụng đất lên 7,5 lần, mật độ xây dựng xấp xỉ 60%, các điều kiện được bảo đảm, song lại vấp phải vấn đề chất tải lên hạ tầng quá lớn, phát sinh những vấn đề bất cập đối với khu vực. Sau khi nghiên cứu khoảng 20 phương án khác nhau, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, Cty đã chọn phương án có hệ số sử dụng đất 6,4 lần, mật độ xây dựng 47% để hoàn chỉnh trình TP. Phương án này có thể bảo đảm đủ diện tích tái định cư, chủ đầu tư có diện tích kinh doanh bù đắp một phần chi phí. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi không thể thiếu sự hỗ trợ của TP về hạ tầng, chính sách đất đai, thuế, phương thức giao cho doanh nghiệp các dự án khác để kinh doanh. Tại phương án được đưa ra, yêu cầu về cải thiện điều kiện ở, môi trường sống, tổ chức kiến trúc không gian hiện đại, bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân cũng đã được tính đến. Tất cả đều được giải quyết trên cơ sở hài hoà giữa trách nhiệm và lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

 

Dự kiến, khu tập thể Nguyễn Công Trứ sau khi đầu tư xây mới có 9 khối nhà ở hỗn hợp, 2 khối nhà thương mại dịch vụ với cây xanh, đường dạo trong lõi các khu nhà. Mỗi khối nhà đều có tầng hầm để xe. Việc kinh doanh được bảo đảm bằng ki ốt cho thuê tại tầng 1. Đường giao thông nội bộ có mặt cắt từ 8,5m đến 13,5m. Cty đề xuất mở thông tuyến phố Lê Gia Định ở phía đông dự án ra phố Nguyễn Công Trứ với mặt cắt 17,5m. Đoạn đường cần mở rộngnày dài 60m, phải di dời khoảng 20 hộ dân. Tuyến phố Yên Bái cũng dự kiến được mở thông qua Trần Cao Vân ra đường Trần Khát Chân, với mặt cắt 13,5m. Để mở rộng đoạn đường dài 120m này cần phải di dời 30 hộ dân và khu phòng khám Bệnh viện Bưu Điện. Việc mở 2 tuyến đường này sẽ góp phần giảm tải hạ tầng cho khu Nguyễn Công Trứ, đồng thời cải thiện hệ thống giao thông cho toàn khu vực. Để chuẩn bị cho dự án. Cty đã ứng vốn thực hiện quỹ nhà tạm cư giai đoạn I tại dự án khu đô thị Hoàng Văn Thụ - Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai. Theo bà Hạnh, với quyết tâm cao, Cty sẽ cố gắng để dự án nhanh chóng triển khai.

 

  • Theo Đăng Quân (KTĐT) 

13247 Lượt xem

HANDICO phấn đấu trở thành một trong những tổ chức kinh tế chiếm thị phần hàng đầu trong cả nước về đầu tư kinh doanh bất động sản, có địa bàn hoạt động trên cả nước và các nước trong khu vực...  [Xem thêm]